Muốn đi Nhật - Cần làm gì?


Từ topic mình hỏi về việc quá hạn Landing permission và Special re-entry permission tại đây, thì một số bạn có pm và đặt câu hỏi là bạn ấy có nhu cầu qua Nhật làm việc theo dạng kỹ sư, vậy cần chuẩn bị hoặc làm gì để có thể sang Nhật làm việc được?

Trước khi đi vào câu trả lời thì mình xin nói trước là kinh nghiệm đi Nhật của mình không phong phú, và hơn nữa mình cũng không có kinh nghiệm tư vấn lắm, chỉ là mình nói dựa trên những điều bản thân mình đã trải qua.

Trước tiên là nói về việc sang Nhật theo dạng kỹ sư thì khác với dạng khác (Tu nghiệp sinh, lao động phổ thông…) như thế nào. Mình thấy có 3 điểm khác biệt lớn nhất:

  1. Phí đầu vào: Hiện tại theo mình thấy nếu đi theo con đường Tu Nghiệp Sinh, thì phí đầu vào rất cao, từ 10k$ cho tới 15k$, tùy Trung tâm môi giới. Tuy nhiên, với chế độ kỹ sư, thì gần như bạn không phải mất một khoản phí đầu vào nào. Dù có phải trả một khoản phí nào đó cho các công ty head hunter nhưng đó là phía công ty trả, các bạn không phải bận tâm vấn đề này.

  2. Công việc: Mỗi ngành mỗi nghề có cái khó cái khổ khác nhau, nói là tôi làm khổ hơn anh, hoặc anh làm nhàn hơn tôi là điều rất khó. Tuy nhiên, với công việc dạng kỹ sư, thì kể cả công ty có phá sản, họ cũng có trách nhiệm giới thiệu cho mình một công việc khác phù hợp, đảm bảo mình không phải về nước sớm hơn dự định khi ký hợp đồng với họ. Điều này là rất tốt, và mình cũng có bạn gặp trường hợp này rồi. Phía công ty tiếp nhận mình họ chơi rất đẹp.

  3. Môi trường: Với phận Tu nghiệp sinh (mình nói cụ thể trường hợp này vì bạn bè và ở quê mình có rất nhiều và hầu hết trường hợp là đi theo con đường này) được công ty môi giới giới thiệu với mức lương 25-40 triệu/tháng, nghe thì có vẻ như mình có thể giầu lên ngay được, nhưng thực tế là thân mình như hạt mưa. Hạt thì rơi luống hoa cười, hạt thì rơi xuống giếng mà ngậm ngùi. Thực tế thế nào thì các bạn cũng nghe và cũng biết, mình không nói cụ thể, nhưng quả thực là rất bấp bênh. Với chi phí cao, khi sang tới nơi lại không có việc, áp lực về việc kiếm tiền đè nặng, nhiều bạn bỏ học nhảy ra ngoài làm, hoặc quẫn hơn là đi ăn cắp, ăn trộm. Đây cũng là một trong các nguyên nhân làm tỷ lệ tội phạm người VN ở Nhật gia tăng nhanh chóng. Buồn. Còn với phận Kỹ sư thì như điều 2 mình nói ở trên thì công việc luôn đảm bảo, trừ khi bạn quá chán mà nghỉ về nước. Cái này lại là khía cạnh khác, xin phép không bàn tới.

Tiếp theo, mình đi vào câu trả lời cho câu hỏi từ đầu, là cần làm gì để sang Nhật dạng kỹ sư được? Để làm được điều này thì điều kiện CẦN (chứ không phải đủ, vì nếu để chắc chắn sang được thì lại phụ thuộc nhiều yếu tố nữa):

  1. Lên kế hoạch về việc sẽ đi Nhật càng sớm càng tốt. Đừng để đến khi bạn học hết Cao Đẳng, Đại Học, xin mãi không được việc, hoặc có việc nhưng lương thấp, kêu chán ầm trời, Bố Mẹ thì sốt ruột, lại đang loay hoay tài chính thì mới có quyết định đi Nhật kiếm tiền. Quá nhiều và hầu hết các bạn cứ học hết lớp 12, đi học Trung cấp hoặc Cao đẳng vài năm rồi, vẫn cứ bơ vơ rồi mới bắt đầu quay sang con đường xuất khẩu lao động. Đây là điều hết sức không hay. Thay vì như thế hãy quyết tâm đi Nhật ngay từ khi vừa hết lớp 12 hoặc năm 1 ĐH, để làm tiền đề thực hiện các bước sau.

  2. Học tiếng Nhật. Có kế hoạch rồi thì làm gì? N3 là chứng chỉ tối thiểu bạn cần có nếu muốn các công ty mời đón bạn. Khi sang tới nơi mà không biết tiếng thì chẳng khác gì như câm như điếc. Tất nhiên không bàn tới các bạn bắn tiếng Anh ầm ầm, hoặc làm việc ở môi trường đặc thù. Bạn học Trung Cấp cũng được, Cao Đẳng cũng được, nhưng Tiếng Nhật phải ngon. Thời sinh viên là thời có rất nhiều thời gian, tranh thủ mà học là tốt nhất, chứ đừng học ĐH 4, 5 năm rồi, tốt nghiệp, ra trường mới đi học Tiếng Nhật, vừa tốn thời gian, mà khả năng tiếp thu đã kém đi nhiều so với hồi sinh viên.

  3. Lựa chọn trường Đại học. Như đã nói ở trên, muốn sang Nhật làm việc thì nhà tuyển dụng phải biết bạn. Muốn được nhà tuyển dụng(các công ty Nhật bản) biết đến bạn thì thường có 2 cách:

    • Qua công ty môi giới - head hunter. (Cái này áp dụng cho các bạn còn đang chưa biết bắt đầu từ đâu) Công ty môi giới mà mình đang đề cập đây khác với các công ty môi giới xuất khẩu lao động mình nói ở trên. Khác cái gì? Đó là họ có trách nhiệm tìm người phù hợp công việc. Khi bạn là người họ tìm và ký hợp đồng thành công với cty phía Nhật thì cty phía Nhật sẽ có trách nhiệm trả phí môi giới chứ không phải bạn. Bạn gần như không mất khoản phí nào cả. Với đối tượng này thì các bạn hãy gửi CV cho họ, nếu được họ chấp nhận thì khả năng đi Nhật của bạn là cao, nếu không thì cũng sẽ làm cho các công ty Nhật ở VN. Điều quan trọng để được nhận là tiếng Nhật phải ngon. Năng lực thì có thể bình thường, nhưng tiếng Nhật thì càng ngon càng tốt.
    • Các buổi tuyển dụng ở trường. Như mình biết thì các bạn nên học những ngôi trường có liên kết đào tạo với Nhật Bản như ĐH Bách Khoa HN, ĐH Công Nghiệp HN, mà nếu vào được những khoa mà Nhật trực tiếp liên kết đào tạo thì càng ngon, như trường hợp của mình thì là Chương trình Việt Nhật của Bách Khoa HN. Vào mỗi kỳ cuối của năm thứ 4 luôn có một đợt tuyển dụng. Khi ấy, các công ty của Nhật Bản trực tiếp sang và phỏng vấn, nếu pass thì chắc chắn sẽ qua Nhật làm việc. Tất nhiên là vẫn không mất khoản phí nào.

Nói dài như vậy nhưng tóm lại như sau: Để có thể sang Nhật làm việc dạng kỹ sư (không đề cập đến hình thức khác ở đây), thì cần:

  1. Xác định mục tiêu ngay từ đầu, từ năm 1 ĐH thì càng tốt.
  2. Học tiếng Nhật ngay và luôn khi đã xác định mục tiêu.
  3. Chăm chỉ liên hệ với các công ty tuyển dụng, hoặc tích cực tham gia các buổi tuyển dụng trực tiếp.
  4. Khi đã được công ty Nhật nhận vào làm thì việc lo thủ tục Visa chỉ là vấn đề thời gian, họ sẽ có hướng dẫn cụ thể cho mình.

Trên đây là vài dòng tâm sự dựa trên kinh nghiệm bản thân mình. Chúc bạn may mắn và đạt được công việc mong muốn.



Related Posts

Tìm hiểu bộ lọc Bloom (Bloom filter) và một số ứng dụng dưới con mắt đời thường

Bloom filter không phải là một cài đặt cụ thể, nó là một tư tưởng thoả mãn tính chất False positive.

Higher-Order Function (HOF) và Currying

HOF và Currying là hai kỹ thuật không khó, thậm chí bạn đang dùng nó hàng ngày mà không để ý. Cùng tìm hiểu chúng thông qua một số ví dụ.

Kỹ thuật sửa lỗi Reed - Solomon

Tìm hiểu một số khái niệm và tính chất của kỹ thuật sửa lỗi Reed - Solomon, với sự xuất hiện của Ưng Hoàng Phúc, Ngọc Trinh :v

Vài suy nghĩ về nghề Lập Trình Viên (LTV)

Nghề LTV dưới góc nhìn của người viết. Liệu nó có phải là nghề "đáng làm" hay không?

Xây dựng ứng dụng chat sử dụng websocket có khó không?

A-to-Z Xây dựng ứng dụng realtime chat sử dụng action cable rails 5

Tổ hợp, chỉnh hợp và bài toán đếm cơ bản

Một số bài toán về chỉnh hợp, tổ hợp cơ bản đã học hồi cấp 3 và áp dụng vào bài toán đếm

Pinterest đã thực hiện scaled MySQL của họ như thế nào

Bài viết lược dịch từ Sharding Pinterest How we scaled our MySQL fleet, một bài viết theo mình đánh giá là rất chất lượng, và có nhiều giá trị có thể tham khảo.

Thực hiện benchmark (BM) MySQL InnoDB Buffer Pool(BP) trước và sau khi được warmup

Mình thực hiện BM này cho chính [tool mình viết](https://github.com/manhdaovan/mysql_warmup), cũng là 1 tool đơn giản thôi, tiện thể đem kết quả lên khoe với mọi người luôn.

So sánh các câu lệnh warmup primary key vào buffer pool với engine InnoDB mysql

Buffer pool(BF) của mysql quả thực có nhiều lợi ích, và việc warm up BP luôn là việc nên làm đầu tiên mỗi khi start/reload/create new mysql. Tuy nhiên, "touch" thế nào cho tối ưu nhất? Trong quá trình thực hiện benchmark cho [tool này](https://github.com/manhdaovan/mysql_warmup), người viết thấy có 1 số điều thú vị như dưới đây.